Mỹ chạy đua ngăn “ác mộng” đại dịch trở lại khi Ca Covid-19 bùng phát mạnh

Mỹ đứng trước nguy cơ bùng dịch trở lại với làn sóng Covid-19 thứ 4, trong khi các nhà chức trách triển khai hàng loạt biện pháp để đối phó với tình hình mới.

Trong bối cảnh “làn sóng” nhập viện tăng do chương trình tiêm chủng đình trệ và biến thể Delta hoành hành khắp đất nước, các chính quyền địa phương và các tổ chức tại Mỹ đang phải “căng mình” để áp đặt lệnh tiêm chủng bắt buộc từng gây tranh cãi trước đây.

Mỹ chạy đua ngăn "ác mộng" đại dịch trở lại khi Ca Covid-19 bùng phát mạnh

Số ca Covid-19 tại Mỹ dự kiến tăng nhanh trong suốt mùa hè và mùa thu năm nay, và có thể sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 10, với số ca tử vong hàng ngày nhiều khả năng sẽ cao gấp 3 lần hiện tại. Ngày 25/7, 49 người đã tử vong vì Covid-19 tại Mỹ.

“Những gì đang xảy ra liên quan tới Covid-19 ở Mỹ trùng khớp với các kịch bản bi quan nhất của chúng tôi”, nhà dịch tễ học Justin Lessler tại Đại học Bắc Carolina nói với National Public Radio.

Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tăng mạnh trong những tuần gần đây khi biến thể Delta ngày càng có xu hướng lan rộng. Mỹ hiện vẫn là nước dẫn đầu thế giới về số ca tử vong (hơn 627.000 người) và số ca nhiễm (hơn 35,3 triệu người). Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tất cả các bang tại Mỹ tuần qua đều ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn so với một tuần trước đó.

“Ngoài tác động của biến thể Delta, chúng ta có thể thấy tác động tổng hợp của việc mọi người trở nên ít thận trọng hơn”, Tiến sĩ Lessler cảnh báo.

Hiện tại, khoảng một nửa dân số Mỹ đã được tiêm vắc xin Covid-19, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đang chậm lại đáng kể do sự hoài nghi về vắc xin vẫn còn mạnh mẽ trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các bang ủng hộ đảng Cộng hòa.

Trong kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất, Tiến sĩ Lessler cho biết, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%, tới giai đoạn đỉnh điểm vào giữa tháng 10, sẽ có khoảng 60.000 ca nhiễm và khoảng 850 ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), dự đoán “nếu quỹ đạo dịch bệnh tại Mỹ tương tự Anh, có khả năng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Mỹ sẽ lên tới 200.000 người”. Ông Frieden thừa nhận Mỹ đang bước vào “giai đoạn khó khăn”.

Phần lớn những ca nhập viện ở Mỹ hiện nay là những người chưa tiêm chủng, trong đó có cả trẻ em. Các bậc cha mẹ cũng lo ngại rằng, làn sóng Covid-19 mới sẽ kéo dài đến hết mùa thu, khi các trường học mở cửa trở lại vào tháng 9 sau kỳ nghỉ hè.

Vắc xin và khẩu trang

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 27/7 đã điều chỉnh khuyến cáo, đề nghị những người đã tiêm vắc xin đầy đủ vẫn đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng có môi trường kín, ở các khu vực có số ca nhiễm tăng mạnh.

CDC cũng khuyến cáo toàn bộ sinh viên, giáo viên và nhân viên tại các trường học đeo khẩu trang, bất kể họ đã tiêm vắc xin hay chưa. Trước đây, CDC chỉ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang nếu chưa được tiêm chủng.

Ngày 26/7, thành phố New York và bang California thông báo sẽ yêu cầu hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ tiêm chủng hoặc xét nghiệm hàng tuần. Bộ Các vấn đề cựu chiến binh Mỹ trở thành cơ quan liên bang đầu tiên yêu cầu tất cả nhân viên phải tiêm chủng Covid-19. Thành phố St Louis, bang Missouri, đã áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà. 57 tổ chức y tế, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội Y tá Mỹ và Viện Nhi khoa Mỹ, ngày 26/7 đã ra tuyên bố chung kêu gọi việc tiêm chủng vắc xin.

Trong khi đó, những trường hợp đã tiêm vắc xin đầy đủ nhưng vẫn mắc Covid-19 cũng là vấn đề gây lo ngại tại Mỹ. Một đợt bùng phát dịch ở Provincetown, bang Massachusetts, đã khiến ít nhất 132 người bị nhiễm bệnh kể từ ngày 1/7, trong đó hầu hết là những người đã được tiêm vắc xin. Tại một viện dưỡng lão, có tới 33 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có nhiều người được cho là đã tiêm phòng.

Từ ngày 29/7, hàng trăm quán bar ở San Francisco bắt đầu yêu cầu những khách hàng muốn vào trong nhà phải trình giấy tờ chứng minh đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 âm tính. Biện pháp này được thực hiện sau khi chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm ở các nhân viên quán bar đã được tiêm phòng đầy đủ.

“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ các nhân viên và gia đình của họ cũng như cung cấp không gian an toàn cho khách hàng để họ có thể thư giãn và kết nối”, liên minh chủ quán bar San Francisco cho biết trong một tuyên bố.

“Ngày càng nhiều tổ chức nhận ra rằng không thể quay trở lại văn phòng an toàn, bệnh viện an toàn và trường đại học an toàn mà không cần tiêm chủng. Trong phần lớn khoảng thời gian mùa đông, mùa xuân, tôi từng rất lạc quan rằng chúng ta sẽ có một mùa hè tuyệt vời với ít ca nhiễm, tử vong. Qua tháng 6, mọi thứ có vẻ vẫn tốt. Nhưng tình hình hiện tại rõ ràng đã trở nên tồi tệ hơn”, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Brown, Ashish Jha, viết trên Twitter.

Tại Florida, Tiến sĩ Victor Herrera, giám đốc y tế của AdventHealth, chuỗi bệnh viện lớn nhất Trung Florida, ngày 26/7 đã nâng tình trạng khẩn cấp lên mức đỏ sau nhiều tháng ở mức xanh.

“Chúng tôi đang tiến gần đến mức cao chưa từng có, xét về số lượng bệnh nhân mắc Covid-19, và điều này vượt quá khả năng của chúng tôi”, ông Herrara nói.

Thông tin khả quan là các bệnh viện đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, như thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở, tốt hơn nhiều so với  thời điểm đại dịch ập đến Mỹ vào năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng. Cao điểm dịch bệnh, dự kiến sẽ xảy ra trong những tháng mùa thu, có thể kéo dài qua mùa đông khi nhiều người tập trung trong nhà hơn vì thời tiết lạnh.

“Chúng ta đang nhận thấy một dự đoán rất đáng lo ngại rằng chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng Covid-19 mạnh, đạt đỉnh vào mùa thu, từ cuối tháng 9 đến tháng 10, có thể gần bằng 2/3 quy mô của đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất mà chúng ta từng trải qua vào mùa đông vừa qua, từ tháng 1 đến tháng 3”, Alan Williamson, giám đốc y tế tại Eisenhower Health ở Riverside, nam California, nói với kênh truyền hình địa phương KESQ.

Theo Tiến sĩ Aaron Wendelboe, phó giáo sư về thống kê sinh học và dịch tễ học tại Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Oklahoma, “chúng ta không cần phải phong tỏa xã hội, chúng ta có thể tận dụng về cơ bản những thứ đang ở ngay trước mắt chúng ta, đó là vắc xin và khẩu trang”.

Tổng thống Joe Biden cho rằng việc tăng cường tốc độ tiêm chủng và đeo khẩu trang sẽ giúp Mỹ tránh được những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như năm 2020. Các địa phương ở Mỹ cũng triển khai nhiều biện pháp để khuyến khích người dân tiêm chủng, bất chấp tâm lý e ngại vắc xin của một bộ phận công chúng.