Yêu trong trong cơn điên

Những lão già bụng phệ áo sơmi, quần âu đóng thùng tự cho ta đây khí chất đạo mạo lại tìm đến em để giải tỏa thú vui tình ái. Em là “gái điếm.” Họ gọi em như vậy khi em chỉ mới 17 tuổi

“Bác sĩ lại tiêm à?”

Anh mỉm cười gật đầu trả lời:

“Ngoan nhé, bác sĩ sẽ không làm em đau.”

“Bác sĩ.”

“Bác sĩ nghe.”

“Bác sĩ có người thương chưa?”

“Bác sĩ có người thương rồi.”

“Người thương của bác sĩ đẹp không?”

“Ừ, đẹp.”

“Đẹp hơn Thục Quyên ạ?”

“Không. Không đẹp hơn Thục Quyên đâu. Thục Quyên là đẹp nhất.”

“Á đau.”

hình ảnh minh họa

Em không còn nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa xuân rồi ở nơi này. Nơi mà em bị người đời ghẻ lạnh để rồi ném vào đây với sự miệt thị dành cho một con điên. Họ nói em là trẻ mồ côi. Họ gọi em là gái điếm. Họ bảo em không có tư cách được sống trên cõi đời này. Vậy… họ có đủ tư cách để biến em trở thành một con điên?

Em không mồ côi. Em cũng có đấng sinh thành mà. Nhưng họ đã lần lượt bỏ em đi rồi. Mẹ em đâu? Em không biết. Em chỉ nhớ… mẹ đã phải ôm chân lão chủ nhà keo kiệt nài nỉ lão tờ bạc năm nghìn để mua gói xôi cho em. Em chỉ nhớ… lão đưa ánh mắt thèm khát của một con thú nhìn mẹ rồi buông những lời cợt nhã. Em chỉ nhớ… lão nắm mái tóc dài của mẹ mà em hay tết bím rồi lôi mẹ khuất sau cánh cửa. Và em chỉ nhớ… em đã ngồi rất lâu để đợi mẹ. Đợi mãi, đợi mãi, cho đến khi có một người phụ nữ đến bồng em đi. Bà ta nói bà ta là mẹ mới của em. Và còn nói rằng em phải chóng lớn để đền đáp công ơn cưu mang của bà.

Những tháng năm dài dằng dẵng trong ngôi nhà khang trang có nhiều đứa trẻ cùng lứa như em, em gọi bà là “má”… nhưng sự uất hận, căm phẫn em giấu kín sau cánh môi đỏ rướm máu. 17 tuổi, độ tuổi nảy nở và nhạy cảm nhất của một cô gái mới lớn thì cũng là thời điểm thượng đế quay lưng lại với em.

Dưới tiếng sấm rền xé toạc màn đêm như tiếng gào thét của chính mình, em đã hiểu được sấp giấy bạc trên tay mà Má nuôi gọi là đô la ấy có ý nghĩa gì. Nó là giá trị của em. Là những thứ thức ăn thừa thãi mà em được ăn? Là những bộ quần áo sida dăm ba nghìn mà em được mặc? Hay những thỏi son rẻ tiền có màu đỏ lòe loẹt – màu son đặc trưng của những cô gái làm tiền mà bà mua cho em? Bà ta trao em cho một gã trung niên đáng tuổi cha. Một gương mặt góc cạnh hung hãn với bộ râu quai mọc lởm chởm trên cằm. Cặp mắt hắn long lên cái nhìn tà dâm khiến em run rẩy trong sợ hãi. Hắn buông lời nhục mạ, rồi lao vào nghiền nát em như một con thú sổ lồng. Em khóc, cầu lụy hắn, van xin hắn, nhưng tất cả những gì em nhận được là sự sỉ vả, là những lời đe dọa cưỡng ép và sự đau đớn từ thể xác.

Những lão già bụng phệ áo sơmi, quần âu đóng thùng tự cho ta đây khí chất đạo mạo lại tìm đến em để giải tỏa thú vui tình ái. Em là “gái điếm.” Họ gọi em như vậy khi em chỉ mới 17 tuổi.

18 tuổi. Những cô bạn đồng trang lứa với em ở tuổi này còn vô tư lắm với những quán trà sữa sau giờ tan học. Còn em thì phải mặc lên người những bộ áo thiếu vải gọi mời những con thiêu thân đói khát như một công việc để “trả ơn” cưu mang theo cách mà Má nuôi vẫn thường nói.

19 tuổi. Thằng khốn tay sai của Má nuôi để ý đến em, hắn nhiều lần gạ gẫm em không thành công, cuối cùng là đánh em đến gãy tay chỉ vì em không chịu phục vụ hắn.

20 tuổi. Sau những trận đòn roi trong căn phòng bốc mùi phân chuột, em như một xác chết nằm trên sàn nhà lạnh lẽo, nơi loang lổ những vết máu của chính mình. Vì em bị sốt, em thấy lạnh cóng dưới tiết trời oi ả của nắng Sài Gòn và làm sao em có thể tiếp khách khi mà cơ thể em không thể đứng vững!?

21 tuổi. Lần đầu tiên em cho phép mình trở thành thú dữ. Một con thú ngoan dù có trung thành mấy thì cũng sẽ quay lại cắn chủ nếu nó đã bị dồn ép đến cùng đường. Tất cả chỉ để được tồn tại. Đôi mắt tròn long lanh ngày nào của em giờ trở nên mất kiểm soát bởi sự căm hận. Em trừng ả, em lao vào người đàn bà mà ai cũng khiếp sợ ấy, hàm rang nhỏ nhắn nhưng lại sắc bén của em khiến bả vai mụ bật máu, em giật mái tóc nhuộm vàng của mụ, xé toạc bộ đầm đắt tiền mà mụ khoe mới mua ở Sing về. Nhưng đó chỉ là một phút nhất thời em cảm thấy mình mạnh mẽ. Sau tất cả những trò điên em làm, chúng lại đánh em. Đánh cho đến khi em không còn van xin được nữa, đánh cho đến khi thân thể thâm tím của em không còn cảm giác. Bọn chúng vứt em trong một khu nghĩa trang bỏ hoang vì nghĩ rằng em đã chết, để che giấu tội ác của mình.

Nằm bất động bên một ngôi mộ dát những phiến đá lạnh toát, em choàng tỉnh trong cơn đau ê ẩm lan tỏa khắp thân thể. Tưởng chừng như cuộc đời tăm tối sắp kết thúc. Nhưng số phận mãi là một vòng luẩn quẩn khiến em cứ chạy mãi. Trốn tránh chính mình để rồi cuối cùng vẫn phải nhận lấy sự thật nghiệt ngã. Em trách ông trời sao lại để em tỉnh dậy? Sao không để lũ quỷ dữ kia đánh thêm chút nữa để chắc chắn rằng em không còn cơ hội sống sót? Sao không cho em trở về bên người mà lại đày đọa em trong thân thể của một con người khốn khổ?

Đưa đôi mắt ai oán đẫm lệ lên nhìn trời xanh, tiếng gào thét vang tận bầu trời xa thăm thẳm khóc thương cho mảnh đời nhỏ bất hạnh.

Em… từ một gái điếm lại trở thành kẻ điên thang lang, rong ruổi trên các con phố với làn da đen nhẻm, nhem nhuốc. Không còn chốn để về, không còn nơi nương tựa. Đôi mắt thiên hạ nhìn em như một sinh vật bẩn thỉu đáng sợ rồi buông vài câu thương hại. Ánh mắt xót thương nhất cũng chỉ ném được cho em mẩu bánh mì vụn rồi đưa mắt với những người xung quanh “sao không ai gọi cho nhà thương tâm thần vậy?!”

Cuộc sống mới của một cô gái điên nơi đầu đường xó chợ với trăm ngàn mối hiểm nguy luôn trực chờ đe dọa, nhưng đâu đó trong đôi mắt nâu thẳm của em luôn phảng phất những nụ cười hồn nhiên đến tội nghiệp. Vậy nhưng cuộc sống lang thang bình dị êm ả của em trên con phố nhỏ cùng những đứa trẻ xóm chợ chẳng kéo dài được bao lâu khi tờ lá cải của thành phố đưa tin một người phụ nữ bị tấn công trọng thương bởi một cô gái điên. Nhân vật trong bài báo đó là em, là em đã tấn công người phụ nữ đó, vì bà ta mặc chiếc đầm giống hệt chiếc đầm em đã xé của Má nuôi nên em nghĩ rằng đó là người đã hủy hoại em. Trong một phút run rẩy không kiềm chế được chính mình, em đã hành động trong vô thức.
[​IMG]
Tờ lá cải bày bán khắp mọi nơi trong con phố nhỏ, những con người từng rũ lòng thương hại với em nay cũng dần tránh xa, họ sợ họ sẽ là nạn nhân tiếp theo của em. Còn những người vốn đã xem em như mối nguy hại của thành phố nay lại được cơ hội dễ dàng ném em vào bệnh viện tâm thần. Chỉ với một tờ giấy vô tri vô giác cùng trăm chữ ký đã đủ để giúp em không còn xuất hiện trước mặt họ.

Ở cái nơi có những bức tường máu trắng này, em được các cô tắm sạch sẽ, cho em mặc đồ mới – bộ quần áo cùng màu mà các bạn ở đây ai cũng được mặc. Màu da của em không còn nhem nhuốc nữa, mái tóc rối lam nham vết kéo nay cũng đã vào nếp. Nhìn mình trong chiếc gương nhỏ, em cười thích thú vì không còn nhận ra chính mình nữa. Các chị y tá tốt với em lắm, họ nói em sẽ hết bệnh, họ nói sẽ chăm sóc cho em, và họ luôn cho em ăn cơm no. Em không còn phải ngủ dưới gầm cầu nữa, em cũng chẳng phải đi ăn trộm bánh bao để rồi bị người ta đuổi đánh. Em thích nơi này, nơi mà em không bị ngược đãi và được đối xử như một con người thực sự.

“Chào Thục Quyên.”

Em nghiêng đầu, ngẩn ngơ đôi mắt tròn nhìn anh. Đôi mắt càng mở to đầy kinh ngạc hơn nữa khi anh gọi tên em.

“Ơ, sao bác sĩ biết Thục Quyên?”

“Trên áo em. Tên em đẹp lắm.”

Em cười tít mắt, khóe môi cong cớn để lộ hàm răng trắng ngần đáng yêu. Gương mặt thanh thoát và giọng nói dịu dàng của em làm anh không kiềm được cái xoa đầu, em lại thẩn thờ nhìn theo cánh tay anh rồi buột miệng.

“Bác sĩ đẹp quá.”

“Cảm ơn em.”

Anh cười nhẹ nhàng, bỏ lại em với đôi mắt ngây dại đã kịp lưu giữ khoảnh khắc về anh. Em nối bước chân anh, theo anh về đến tận phòng nghĩ của bác sĩ. Nấp sau cánh cửa kiếng, ánh nhìn dõi theo từng cử chỉ, từng hành động của anh không rời. Em không nhớ mình đã từng đặt ai vào một trí nhất định trong tim mình chưa? Có lẽ chưa. Mà dẫu có thì cũng chưa ai lại xâm nhập vào trái tim em một cách đột ngột như anh cả. Anh có nụ cười như thiên thần vậy. Nụ cười dịu dàng như tia nắng chiều ấm áp.

Em cứ như vậy mỗi ngày đến văn phòng tìm anh. Kể cho anh nghe những câu chuyện về con sâu màu vàng trong khuôn viên bệnh viện, rồi lại thao thao bất tuyệt về những câu hỏi ngớ ngẩn bằng sự ngây ngô của mình. Một thứ cảm xúc kỳ lạ cứ len lỏi và bám lấy thôi thúc em không một giây thôi nghĩ về anh.

“Bác sĩ.”

“Bác sĩ nghe.”

“Bao giờ Thục Quyên sẽ hết bệnh?”

“Em đã rất khỏe rồi. Em sẽ nhanh hết bệnh nếu em chịu uống thuốc đúng giờ.”

“Vậy nếu Thục Quyên hết bệnh bác sĩ có thích Thục Quyên không?”

“Ngốc. Bác sĩ luôn quý em. Rất quý em. Nếu em hết bệnh, em sẽ chóng được về nhà.”

“Vậy thì Thục Quyên không muốn hết bệnh nữa.”

“Sao vậy?”

“Thục Quyên không muốn về đó. Má sẽ lại đánh Quyên, má bắt Quyên trả nợ. Quyên không muốn về. Với cả… ở đó Thục Quyên không được gặp bác sĩ nữa. Thục Quyên thích bác sĩ lắm.”

Anh vội vàng vén sợi tóc lòa xòa trước gió của em mà sống mũi bỗng cay cay. Sự hoảng loạn lộ rõ trong đôi mắt làm em bật khóc. Ký ức đáng sợ thoáng hiện về trong em khiến tiếng nấc nghẹn vỡ òa. Em sợ những ngày tháng đen tối không lối thoát ấy. Em sợ người đàn bà mà em gọi là má. Và hơn hết lúc này, em sợ em sẽ mất anh. Sợ rằng hình ảnh của thiên thần sẽ không còn hiện diện trong mắt em nữa. Có lẽ lúc em bỏ quên trái tim mình ở một góc tối nào đó cũng là lúc anh dần trở nên quan trọng với em. Nguồn sống duy nhất giúp em cảm thấy mình đang tồn tại trong thế giới khắc nghiệt này.

Em điên. Em có quyền nguyền rủa những kẻ đã đẩy em vào con đường này.

Em điên. Em có quyền đi theo anh đến mọi ngóc ngách trong bệnh viện như một cô bé thích bám đuôi.

Em điên. Em có quyền ghen tị với bất kỳ bệnh nhân nào được anh chăm sóc.

Em điên. Nhưng em có quyền được yêu anh không?

Mấy hôm nay cả khu bệnh cứ nhốn nháo lên vì tin bác sĩ sắp lấy vợ từ mấy chị hộ lý, y tá. Em không hiểu “lấy vợ” là gì, chỉ cần nghe các chị túm tụm lại bàn tán về anh thì em lại ngồi im lặng lắng nghe.

Có phải vợ là cái chị xinh đẹp mặc chiếc váy màu mận chín hay ra vào phòng anh không?

Anh sẽ lấy chị ấy làm vợ?

Mà vợ có ý nghĩa gì với anh vậy?

Vợ có đem anh đi không?

Em tự giày vò mình những đêm không ngủ chỉ để định nghĩa về người phụ nữ sẽ là vợ anh. Gương mặt bầu bĩnh của em chẳng mấy chốc đã gầy guộc đi hẳn vì những vết quầng thâm trên mắt. Em vò góc áo, vẻ mặt bối rối tội nghiệp nhìn anh như đang tìm kiếm một ngữ từ thích hợp. Cuối cùng cũng thốt lên được từng chữ khó khăn đang mắc nghẹn nơi cổ họng.

“Bác… bác… bác sĩ… sắp… lấy vợ ạ?”

Anh nhìn em như hiểu ra tâm tình của em trong ánh mắt bối rối ấy. Thoáng ngập ngừng với câu trả lời.

“Ừ. Bác sĩ sắp lấy vợ.”

“Vợ… có đem bác sĩ đi không?

“Không. Vợ không đem bác sĩ đi. Bác sĩ sẽ ở đây với em.”

“Thật ạ?”

“Ừ. Thật.”

“Bác sĩ có yêu Thục Quyên không?”

“Bác sĩ… rất quý em.”

“Mấy chị nói bác sĩ chỉ yêu vợ thôi.”

“Ừ. Nhưng bác sĩ muốn Thục Quyên hiểu rằng Thục Quyên cũng rất quan trọng với bác sĩ. Em không chỉ đơn thuần là một bệnh nhân mà bác sĩ phải chăm sóc, em như một đứa em gái mà bác sĩ cần phải bảo vệ.”

Em nhìn sâu vào đôi mắt dịu dàng của anh như cố tìm kiếm một nơi nào đó có hình dáng nhỏ nhoi của mình.

“Em không thích vợ. Em không muốn vợ đem bác sĩ đi. Em chỉ thích bác sĩ thôi.”

“Cô bé ngốc.”

Anh nép em vào bờ ngực rộng lớn của mình mà bỗng thấy vị mặn nơi khóe mi. Lòng em quặn lại, tiếng thút thít khe khẽ trở thành tiếng nấc nặng nề làm nhòe nhoẹt chiếc áo trắng tinh của của anh. Em không hiểu “yêu” và “quý” khác nhau ở điểm gì, nhưng em biết chữ “quý” ấy còn đắng hơn cả những viên thuốc mà em phải uống. Câu nói ấy cứ mãi lảng vảng trong tâm trí em như một sự nhắc nhở rằng chị mới là người anh cần.

Anh không xoa đầu chị như hay xoa đầu em. Anh cũng không bắt chị phải uống thuốc. Nhưng anh lại hôn lên má chị, điều mà anh chưa từng làm với em. Đã bao lâu rồi em chưa khóc nhỉ? Lần nay em không khóc vì các chị bắt em uống thuốc, em không khóc vì mũi kim đau, mà em khóc… vì anh nói anh yêu chị.

Em có bố mẹ, em cũng từng có một gia đình, dù từng là một thành phần nhơ bẩn của xã hội nhưng em yêu anh. Chí ít đến giây phút này, em vẫn còn tỉnh táo để nhận ra em yêu anh nhiều đến nhường nào. Vì yêu anh, em khát khao được sống. Vì yêu anh, em nhận ra thế giới xung quanh mình rất đẹp. Vì yêu anh, em như con cá mắc cạn tìm được điểm tựa và niềm tin để tiếp tục tồn tại trong thế giới khắc nghiệt này. Cứ ngỡ rằng, sau bao nhiêu thử thách đớn đau của thượng đế, cuối cùng ngài cũng phái sứ giả yêu thương đến với em. Anh là thiên thần, nhưng không phải dành cho em. Anh là thiên thần và anh thuộc về chị – người phụ nữ xinh đẹp luôn được anh nắm lấy tay ấy.

Những đêm dài tĩnh mịch nơi phòng bệnh, em không ngủ, nhưng cũng chẳng khóc. Thuốc an thần trong lúc này đối với em không còn tác dụng nữa. Khóe mắt nâu đượm buồn thoát ẩn hiện hình dáng anh trong chiếc áo blouse trắng đang vẫy tay mỉm cười. Có lẽ… em không nên uống thuốc, có lẽ em không nên khỏe lại, và có lẽ nếu em cứ mãi là cô gái điên với nụ cười ngờ nghệch thì em sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy anh. Với anh, em chỉ là một bệnh nhân cần được chăm sóc như bao bệnh nhân tâm thần khác. Trái tim của anh có chị rồi, không có chỗ cho một cô gái điên như em.

Em đến tìm anh, nhưng chỉ nấp sau hàng hiên lạnh bóng người rồi lẳng lặng nhìn anh qua khung cửa rỉ màu. Đã rất lâu như vậy. Chỉ cần được thấy anh như thế này thì nỗi đau da diết trong em lại cồn cào quặn thắt. Anh đang ở rất gần em, thế nhưng em lại chỉ có thể lén lút nhìn anh từ một góc tối. Tất cả những thứ thuộc về anh tưởng như rất lạ mà ngờ đâu sao quá quen, nỗi quen thuộc ấy như từng mũi dao nhọn cứa vào tim em đến không còn máu để chảy.

Các chị nói hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời anh. Phải chăng là ngày thiên thần sẽ cõng chị trên lưng đến hết cuộc đời này? Và em mãi là cô gái điên lặng lẽ đi bên lề cuộc đời anh? Anh không còn đến xoa đầu em nữa, chỉ còn mình em cô độc trong căn phòng màu trắng với những kẻ điên. Em cười, nụ cười điên dại hòa lẫn trong vị mặn đắng của nước mắt. Một bệnh nhân tâm thần thì dù có khóc hay cười cũng chẳng ai buồn biết lý do cả. Em chợt hỏi… Thượng đế đưa em đến thế giới này với sứ mệnh gì vậy? Hai mươi mấy năm được tồn tại trên cõi đời, em đã có một khắc nào được sống cho chính mình chưa? Phải chăng em là sự sai lầm của tạo hóa?

Tia nắng chiều yếu ớt xiên qua những bông hoa tàn cuối mùa. Bóng nắng nhạt dần làm nhòe đi hình dáng em. Bước chân em rong ruổi trên những con đường mòn lối của khuôn viên bệnh viện. Hướng đôi mắt khắc khoải về phía bầu trời rộng mênh mông, thỉnh thoảng lại lẩm nhẩm những câu triết lý tình yêu mà em tự dệt nên rồi lặng lẽ quệt nhanh hai hàng nước mắt nhuốm đẫm gò má xanh xao.

Lẽ ra em đã có thể là một xác chết nơi nghĩa trang hoang tàn lạnh lẽo. Lẽ ra em phải là một kẻ suốt đời sống trong điên dại, chỉ biết gào thét, cười và khóc. Em có nên trách ông trời không? Hay em phải cảm thấy may mắn vì dù yêu anh, em vẫn yêu trong cơn điên…?

Xem thêm: Nơi em phải gặp anh