“Sốt” đất như “sốt” lan đột biến: Hé lộ sự thật chiêu “làm giàu không khó”

Cơn Sốt đất – Theo chuyên gia BĐS Đặng Văn Quang, hệ lụy việc đua nhau đầu tư bất động sản là vô cùng lớn – nguồn lực của xã hội đang đổ dồn vào đầu cơ thay vì đầu tư, sản xuất để kiến tạo ra giá trị cho đất nước. Cùng thotinh.com.vn tìm hiểu nội dung sau:

Sốt đất như sốt lan đột biến: Hé lộ sự thật chiêu làm giàu không khó - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Biển mua bán đất được dựng lên trên tuyến đường liên xã An Khương – Tân Lợi, huyện Hớn Quản. Trông tấp nập như bán hàng rong (Ảnh: Trung Kiên).

Quan sát thị trường bất động sản đất nền hiện nay ở các quận, huyện vùng ven Hà nội, TP.HCM, không ít người liên tưởng tới thị trường lan đột biến.

Các giao dịch lan đột biến “khủng” được nhắc tới rộng rãi và liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội với hàng loạt vụ việc tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hòa Bình… với những cái tên mỹ miều Ngọc Sơn Cước, Bạch Tuyết, Hồng Chương Chi, Phú Quý…

Người ta còn tổ chức những lễ ký hợp đồng, lễ bàn giao với phông màn hoành tráng để sôi sục quảng bá làm cho xã hội có liên tưởng tới sự thoát nghèo và làm giàu thậm chí rất giàu là không hề khó: Chỉ cần bỏ tiền mua giống – còn tất cả đã có một “hệ thống” bao tiêu đảm bảo đầu ra. Ngày trở thành tỷ phú không còn bao xa, vậy thì còn chờ gì nữa mà không đi vay tiền đầu tư!?!

Sự thực thì cũng giống như các loài sinh vật khác, sự đột biến (biến dị) của lan là không hiếm và nhân bản vô tính với quy mô sản xuất của loài này cũng không hề khó – đó là về mặt sản phẩm. Tính xác thực của các giao dịch thành công với các mức giá cả trăm tỷ đồng như trên gần như không được kiểm chứng.

Quy hoạch mới, nâng cấp từ huyện lên quận… cũng chưa bao giờ là điều quá đặc biệt. Các thửa đất chia lô, liền thổ… cũng là những sản phẩm bất động sản “xưa như trái đất” nhưng gần đây nó được đặc biệt hóa và hiếm hóa bởi những mạng lưới môi giới nhà đất dày đặc đan xen có chung một mục đích là kiếm lợi trên sự khuấy đảo và thổi giá thị trường.

Nhiều nguyên nhân gây sốt đất. Nhưng một trong những lý do chính và quan trọng là phong trào “xã hội hóa” nghề môi giới bất động sản cùng với nhiều thông tin giả, đồn thổi xuất hiện: Ai ai cũng làm nghề này từ nông thôn tới thành thị – đặc biệt là thời Covid-19, mất việc nhiều, thất nghiệp rồi trở thành môi giới.

Lễ động thổ, bàn giao, tri ân khách mua cũng được tổ chức khắp nơi kèm theo các thông tin mập mờ, úp mở về quy hoạch mới, giá đất mới, sân bay mới, tuyến đường mới… Đặc biệt là các “giao dịch” mà chỉ qua tay là lãi vài trăm triệu hoặc vài tỷ đồng đã và sẽ tiếp tục xã hội hóa việc đi buôn và đầu tư bất động sản do cảm giác “làm giàu không khó” của số đông những người hấp thụ thông tin dễ dãi.

Sự thật là làm giàu bền vững là luôn luôn khó và nó chỉ dành cho những người chăm chỉ, kiên trì và tỉnh táo.

Hệ lụy của việc cả nước đi đầu tư bất động sản là vô cùng lớn – mọi nguồn lực của xã hội đang đổ dồn vào việc đầu cơ bất động sản thay vì đầu tư vào nghiên cứu khoa học, sản xuất để kiến tạo ra giá trị cho đất nước.

Trong khi bạch hóa, công khai hóa thông tin là trách nhiệm của các cơ quan chức năng thì việc xác minh, kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để làm hạn chế “fake news” được lan tràn là trách nhiệm và lương tâm của các cơ quan truyền thông báo chí.