Hỏi ai còn nhớ!

Hôm nay chuyên mục truyện ngắn của Thotinh.com.vn giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn :”Hỏi ai còn nhớ”. Hãy cùng đọc và chia sẻ cảm nhận nhé!

Hỏi ai còn nhớ?

Có bao nhiêu cây phượng vĩ được nằm trong các tác phẩm nhà thơ, nhà văn? Hắn không biết. Có bao nhiêu mối tình tuổi hồng thời cắp sách được đưa vào trang tiểu thuyết, thơ ca? Hắn không biết.

Hắn yêu, đã yêu và vẫn đang yêu. Một tình yêu đơn phương đáng nguyền rủa. Hắn nguyền rủa bản thân, nguyền rủa thân phận hắn. Chỉ hắn thôi! Hắn là một tên ngốc, một kẻ nhút nhát, gàn dở.

***

hoi-ai-con-nho

Hãy nghe bạn học nói về hắn: “Văn sĩ à? Có phải thằng dở hơi ở kia không?”

– “Em đứng lên tôi hỏi cái nầy”. Cô giáo dạy văn lớp 12a gõ cái thướt xuống bàn đánh chát một tiếng lớn. Hắn đang ngáy ngủ, giật mình. Cả lớp bật cười. Hắn hỏi:

– Dạ, cô gọi em!

– Tại sao em lại có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống như vậy?

Hắn đáp:

– Em thấy sao thì nói vậy.

Em không có niềm tin vào cuộc sống?

– Em cũng không biết nên tin vào cái gì. Mọi thứ đều đại trà. Không nhất quán.

– Tôi hỏi em, vậy tại sao em cho môn văn của tôi là vô vị, là phù phiếm là tai hại?

– Những gì xa rời thực tế là tai hại, mơ mộng không sự thật là phù phiếm, một mình chiêm nghiệm vị đắng chát của nội tâm là vô vị.

Giờ ra chơi. Bạn hắn, cô gái tên Khanh, Nhã Khanh, đến vỗ vai lúc hắn đang ngồi chép phạt. Khanh nói: “Khiếp, lý luận cả với giáo viên. Cậu trẻ à, Cậu ngốc lắm!”

Hắn cười nhưng không ngẩng mặt, đáp: “Mặc tôi!”.

– “Ừ. Cáu cơ đấy”. Khanh trề môi, tiếp: “Chép những ba trăm lần câu triết lý”

Hắp ngẩng mặt lên, mắt xoáy vào Khanh, đáp: “Triết lý là thứ khiến người ta dễ sa vào con đường lầm lạc nhất, nó đe nẹt một cách tai hại, nó khiến một người nào đó bỏ chính bản thân họ để đi theo nó, đến một ngày người đó nhận ra họ không hợp với thứ lý tưởng này thì không ai cứu vớt họ. Họ đánh mất chính họ, họ đơn độc” Đời sống con người cũng vậy, chỉ nhìn vào mắt thiên hạ mà sống, thiên hạ nói cái đó tốt, cái đó cần thiết, dù bản thân không muốn nhưng chúng ta cũng ngã theo số đông, còn “bản ngã” thật của chúng ta là cây đinh gì?” Hắn tiếp: “Cô không thể tìm hai cây nhãn giống hệt nhau, nội tâm con người cũng vậy, chỉ hiểu nhau chứ không giống nhau, vậy nên, cô giáo ép tôi nghe theo cái câu triết lý của ông giáo sư nào đó thì tôi thà chịu chép phạt”.

Khanh cắn môi. Một lát cô nói: “Đồ bảo thủ, đồ hủ lậu, đồ gàn!”. Cô quay đi, để lại một thoáng mùi hương dìu nhẹ làm đầu óc hắn dễ chịu.

Buổi chiều tan học. Sân trường nhộn nhịp một lát thì yên tĩnh. Những lá bàng khô quéo rơi lác đác, một hai chú chim không biết tên đang tung cánh lượn lờ. Đằng xa, hoàng hôn cháy thành một vệt đỏ. Hắn ngồi trên băng đá dưới gốc phượng vĩ, ngắm nhìn ngôi trường.

Chợt hắn nhớ đến Khanh, hắn viết:

Khanh dáng người gầy như con rắn liu điu, cao khẳng khiu, đùa thôi. Chứ Khanh cao gầy trong chiếc áo dào trắng tinh khôi, có suối tóc, có cặp mắt đẹp như mắt bò. “Mắt bò đẹp mà, thật, đâu thử bạn nào ở quê để ý xem”. Viết đến đó hắn bị Khanh nhéo một cái. Khanh nói:

– Này, dám nói mắt Khanh giống mắt con bò hả? Đồ gàn!

Hắn cười: Thì nghèo chữ nghĩa, phải chịu.

Khanh cũng cười, cô cười để lộ cái răng khểnh trông rất xinh, điểm tô cho gương mặt hình trái xoan, mặt dù, tôi nói thật với bạn, tôi cũng không biết trái xoan là trái gì, có ăn được không?

Khanh nói: “Sao không về? Rảnh, ở đây chi vậy?”

Hắn đáp: “Có hẹn vời người ta, về sao được”

Khanh cười mỉm chi, nói:

– Này, đồ gàn. Cậu xem sắp đến hè rồi, đến hè là chúng mình xa nhau, xa cả bạn bè, thầy cô, xa mái trường, xa nơi chúng mình lớn lên để theo học nơi khác. Nơi có những “cậu ấm, cô chiêu” những tay trí thức phàm phu tục tử, đến một xã hội phồn hoa, đô hội để theo đuổi ước mơ. Lúc đấy, Khanh sợ, Khanh sẽ không được như bây giờ.

Hắn nói: “Ừ, chẳng ai trẻ mãi không già cả.”

Cô thở dài: “Haizzzzzzzzzzzzzzzz!”

Cô hỏi: Nầy, ông định thi vào trường gì?

Hắn đáp: “Tôi không biết”.

Cô lại hỏi: “Mình làm bạn cũng được năm năm, đúng hông?”

“Trong mấy năm qua, lúc nào ông cũng chẳng chịu tiết lộ về bản thân. Thấy ghét! Này nhé, ông liệu mà tỏ tình với tôi đi, sắp đến hè rồi. Sang năm có muốn gặp cũng không được”.

Hắn cười: “Con này hôm nay dở người à?” Cần táng một cái cho tỉnh ra không?”

Cô cười, nói:

– Giỡn ấy mà, hẹn ông ra đây. Khanh muốn nói một chuyện. Cô gãi gãi tóc, đầu nghiêng về một bên, hắn ngầm nhìn, rồi mỉm cười. “Ừm, thiệt ra thì. Chuyện tình cảm đó mà”. Tim hắn đập mạnh khi nghe câu đấy. Cô tiếp “Khanh thích tay lớp trưởng.”. Nói đến đó cô đỏ mặt rồi dùng hai tay càò cấu mái tóc cho bù xù. Tiếp: “Nhưng hắn đáng ghét lắm, cứ lúc nào Khanh có ý hắn lại lẩn đi chỗ khác”. Cô vuốt mái tóc dài thuôn mượt cho chỉn chu rồi đưa cặp mắt như nước hồ thu không gợn sóng nhìn hắn.

Hắn ngồi im nghe cô nói, nụ cười ban nãy chưa kịp tắt đã méo xệch, mặt hắn tái ngắt. Hắn biết, mình không thể để tình cảm trào ra lúc này, hắn không thể. Hắn là một thằng ngốc, một tên gàn dở nhút nhát đáng thương. Khanh ơi! Em là con tiện tỳ ngốc ngếch. Hắn muốn mắng vào mặt cô như thế. Tôi dành cho em biết bao tình cảm mà em không để ý, sao em đi thích cái tên đấy. Nó rất giỏi chữ nghĩa, rất giỏi, nhưng thứ văn chương, chữ nghĩa của nó là thứ văn chương dùng để làm quan! Rồi đời em sẽ khổ mất thôi. Nó sẽ bóp nát trái tim khờ dại của em.

Hắn trút tiếng thở dài, đáp: “Khanh không nên yêu anh ta”

Cô lườm hắn rồi hỏi: “Lý do?”

– Tôi không biết, con người anh ta toát ra quá nhiều tham vọng.

Cô cười khẩy: “Đồ gàn, tham vọng thì mới có địa vị”

Hắn đứng lên, đón nhận cơn gió chiều mơn man làn tóc. Hắn bước đi chậm rãi ra phía cổng trường. Cô gọi theo: “Sao không trả lời Khanh? Đi đâu thế, đồ gàn?”

Hắn cười chua chát, cười cho một mình hắn nghe, một mình hắn biết, đến cơn gió cũng không biết hắn đang cười. Cười mà nước mắt hắn tuông rơi, hắn thấy bừng bừng nổi giận, giận tất cả mọi thứ chung quanh. Hắn mắng thầm. “Trả lời em cái cóc khô gì? Đến tôi còn không trả lời được câu hỏi cho bản thân tôi nữa là cho em!”.

Phượng vĩ nở bông, những bông hoa đỏ như máu, đung đưa, chấp chới, chúng làm nũng với làn gió hạ. Gió hạ cợt nhả, một bông, rồi hai bông hoa đỏ rơi xuống sân trường rợp nắng, lần lượt, lần lượt. Học sinh nhặt lấy những cánh hoa xấu số, những cánh hoa lìa khỏi cành bị ép vào trang giấy trắng, nằm đấy than thở về tình yêu, bị vứt vào sọt rác khi ai đó nổi giận, bị lãng quên đâu đó khi mùa hè đi qua, số phận chúng, ôi Phượng Vĩ ơi! Ngươi đẹp, ngươi rực rõ để làm gì?

Khanh nói: “Này đồ gàn, nếu thích ai mà nhặt hoa phượng ép vào trong tập, rồi viết tên họ vào cùng với những lời yêu thương thì sau này họ sẽ yêu mình”.

Hắn cười nhạt, cái cười chua chát chất chứa nỗi niềm.

Cô nhìn hắn, chớp chớp mắt vài cái rồi hỏi:

– “Bộ đó giận đây hả?”

Hắn nhắm mắt, khi mở mắt ra thấy Khanh tươi xinh đang cắn móng tay nhìn hắn, cử chỉ đó, ánh mắt đó. Khanh ơi! Cô công chúa ngốc nghếch ơi! Em giết tôi đi.

Hắn đáp: “Không, tôi giận tôi đấy thôi”

Kết thúc năm học cuối cấp lúc nào cũng buồn, cũng rải rác những giọt nước mắt, những lời chia tay, những câu chúc tốt đẹp. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn tạo cho ta thứ tình cảm hỗn độn, khắc khoải. Có lẽ đây là hành trang, là chìa khoá mở cánh cửa nội tâm trên đường đời chông gai, tẻ nhạt về sau chăng? Không biết. Hắn thấy Khanh đang nắm tay anh chàng lớp trưởng vui vẻ bên bạn bè, thầy cô. Họ trông trẻ ra vài tuổi với nụ cười lệch buồn bã trên môi. Những người thầy, người cô, ôi, họ chăn dắt lũ nít ranh đến một cái bến rồi lại quay về. Như người mẹ già tiễn chân đứa con đi xa, nhưng lòng vẫn thấp thỏm, lo âu. Trông mắt họ, đứa con nào cũng bé bỏng và dễ bị ức hiếp. Còn đám trẻ, tuổi trẻ với những cái đầu bằng đá, họ có thể đập vỡ tất cả. Họ chẳng biết sợ, chẳng biết những gì đang đợi họ ngoài kia đâu, tất cả điều ngốc nghếch như nhau.

Hắn ngồi dưới gốc phượng, nhìn lên và hỏi: Này, thời gian thoi đưa. Ngươi đã đón nhận, đưa tiễn, bao nhiêu thế hệ rồi? Những con người nầy, liệu mười năm, hai mươi năm, bốn mươi năm sau khi lang bạt khắp chốn, bị cuộc đời bổ cho vài nhát, lúc đó, có còn nhớ đến ngươi không?

Sau buổi chia tay cuối cấp sáu năm.

Một đôi lần hắn và Khanh trò chuyện tại một quán café vắng, tiếng nhạc rầu rầu cứ đều đều rên rĩ. Hắn nhìn Khanh với cái nhìn chua xót. Hắn nói: Khanh khác xưa rồi đấy, Khanh biết không?”

Khanh sơn môi đỏ, đánh phấn nhạt, tóc uốn xoăn để dài, cười, cái cười quý phái, thành đô, không còn những cử chỉ thuở thiếu thời, cái cười đượm những nỗi buồn:

– Ừ! Ai rồi cũng khác mà.

Hắn nhấp ngụm café, lập lại câu trả lời: “Ai rồi cũng khác”.

Khanh nói: “Anh ta chìm đắm trong danh vọng, địa vị. Anh ta bảo đây là thời đại của tiền tệ, không có chỗ cho tình cảm chen chân. Anh ta nhồi nhét một mớ triết lý rỗng tuếch mà anh ta tâm đắc. Rằng, không tiền thì khổ, lúc đó yêu đương cái giống gì? Rằng đời sống là phải thực dụng, là.. Anh ta chỉ làm mọi việc theo ý thích”.

Hắn cắt ngang: “Đủ rồi, Khanh.”

– Con Khanh giống Khanh không?

Cô đáp: “Giống đôi mắt”

Hắn cười.

Vẫn buổi chiều. Buổi chiều hôm đó nắng nhạt, gió hiu hiu thổi những lá bàn khô quéo rơi xuống sân trường. Hắn bước vào cổng.

Người bảo vệ hỏi: “Đi đâu đấy?”

Hắn đáp:

– Tôi đây mà, bác không nhớ tôi sao?

Người bảo vệ nhận ra hắn: ” À! Là cậu, đã mười hai năm rồi còn gì, cậu vẫn thế chứ?” Hắn gật đầu rồi bước vào sân trường.

Hắn lôi quyển tập có dòng chữ của Khanh được chồng cô trao tận tay hắn. Chồng cô bảo: “Trước khi vợ tôi mất, ừ, lỗi là ở tôi, anh nói đúng, vợ tôi tự vẫn, tôi phải đối mặt với những sai lầm của mình”. Anh ta thở dài, tiếp: “Tôi đã bỏ rơi cô ấy trong lâu đài, đúng hơn, tôi đã giam giữ cánh chim hoàng yến trong chiếc lồng son. Tôi nghĩ thế là đủ, anh nói đúng, tôi là một người tham vọng không biết gì đến những thứ tình cảm mà khi yêu người ta cần có. Cô ấy đã yêu và chọn tôi, nhưng tôi chẳng đem lại hanh phúc gì cho cô ấy mà chỉ toàn phẫn uất, cô đơn, vì sự lãnh đạm của tôi mà ra nông nỗi này”.

Hắn nhìn con gái của Khanh, nó đưa đôi mắt đen láy, buồn, nhìn lại hắn. Hắn hỏi: “Con tên gì?”

Đứa bé đáp: “Con tên Hoài Ngọc”.

Hắn thoáng rùng mình. Đưa tay quệt nhanh một giọt nước mắt. Trên di ảnh, Khanh đang cười mỉm nhìn hắn. Hoài Ngọc. Khanh, em vẫn dành cho tôi một chỗ đứng sao?

Hắn dở từng trang giấy, nét chữ Khanh nghiêng nghiêng, uốn lượn.

– “Này, đồ gàn, yêu Khanh sao không chịu nói? Đúng là đồ gàn!”

Có bông phượng xếp hình cánh bướm, bên có đề chữ: “Đồ gàn, người ta nói yêu ai thì xếp hoa phượng thành cánh bướm, ghi lên đó những lời yêu thương, sau họ sẽ yêu mình. Khanh ngốc lắm, Khanh ghi tên anh ta mất rồi, kiếp này, đồ gàn là bạn thôi!. Đồ gàn tốt với Khanh lắm, niếu có kiếp sau, chúng mình sẽ lại nhặt hoa phượng, lúc đó Khanh sẽ viết cho đồ gàn thật nhiều lời yêu thương.”

Hắn đưa tay gỡ cánh bướm ra khỏi trang giấy úa vàng. Gió thổi mạnh khiến cây phượng vĩ già lao xao. Hắn thả cánh bướm bay lên, gió cuốn tất cả về một nơi xa. Hắn bước ra khỏi cổng trường, gió tạt vào vạc áo phất phơ, đâu đó bên tai nghe như tiếng gọi:

– “Đồ gàn, đi đâu đó?”

Cây Phượng vĩ già nghiêm trang trông theo bóng hắn, đến khi chỉ còn là một chấm nhoà khuất vào dòng người xuôi ngược.