Con hoang

Mấy tiếng “con hoang” như một vết chém sâu hoắm vào tâm hồn non nớt của tôi. Không biết từ bao giờ, trong tôi chỉ còn lại sự căm ghét người mẹ tật nguyền của mình. Trong mắt tôi, mẹ là một kẻ tội đồ vì đã sinh ra một đứa con mà không cho nó biết cha nó là ai…

Tôi cúi đầu, không dám nhìn vào ảnh mẹ…

***

Tôi cầm túi đồ ăn ném mạnh vào giỏ rác, nói như hét: “Đã nói má đừng có lên nữa, sao không chịu nghe vậy? Tiền nè, má về đi”. Mẹ tôi run rẩy bước tới cạnh thùng rác: “Thôi, con không ăn thì má đem về… Tại má nhớ con quá thì lên thăm chớ má đâu có cần tiền. Mai mốt con về thì hết con nước rồi, má sợ không có cá ngon như vầy nữa…”.

con-hoang

Tôi dịu giọng: “Sao má không chịu nhớ? Lâu rồi con đâu có thích ăn cá linh? Cá gì mà xương không…”. Mẹ tôi mở giỏ lấy ra túm bông điên điển: “Vậy má để lại cái này cho con nghen? Nước rút rồi nên bông cũng ít. Hôm qua má phải đi hái cả buổi mới được nhiêu đây”. Tôi thấy chạnh lòng nên gật đầu: “Má cứ để đó cho con. Thôi, má về đi, con phải đi làm đây”.

Tôi đứng nhìn theo mẹ bước thấp, bước cao khuất dần nơi đầu hẻm. Tôi để mẹ đi một mình vì không muốn người trong hẻm biết tôi có một người mẹ tật nguyền…

“Cô Tư què”, “bà Tư què”… là những tiếng mà tôi nghe người ta gọi từ khi tôi nhận biết sự bất thường của đôi chân mẹ. Lớn lên một chút, tôi biết mẹ tôi bị tật cả hai chân từ lúc mới lọt lòng. Bà ngoại mất khi mẹ tôi mới 16 tuổi. Sống một mình giữa đồng nước mênh mông, một đêm mưa nọ, mẹ đã bị một gã đàn ông cùng xóm cưỡng hiếp. Kết quả là tôi có mặt trên cõi đời này với bao nhiêu điều tiếng xấu xa.

Thế nhưng với mẹ thì ngược lại. Bà xem đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban cho mình. “Má nói thật đi, ai là cha con?”. Không phải chỉ một lần, tôi hỏi mẹ câu đó. Nhưng lần nào cũng vậy, mẹ chỉ lặng im. Có lần tôi làm dữ thì mẹ nói: “Con biết thì cũng đâu có lợi ích gì mà còn làm cho gia đình người ta xào xáo. Thật lòng, má phải mang ơn người ta chớ thân má như vầy, ai mà thèm…”.

Tôi lớn lên như một cái cây non thiếu ánh sáng. Sau lưng tôi, người ta xầm xì: “Đồ con hoang”. Rồi đến những đứa bạn học cùng lớp cũng trêu chọc: “Đồ không cha”. Mấy tiếng “con hoang” như một vết chém sâu hoắm vào tâm hồn non nớt của tôi. Không biết từ bao giờ, trong tôi chỉ còn lại sự căm ghét người mẹ tật nguyền của mình. Trong mắt tôi, mẹ là một kẻ tội đồ vì đã sinh ra một đứa con mà không cho nó biết cha nó là ai…

Lên lớp 10, tôi ra thị xã học. Suốt những năm học cấp 3, tôi chỉ về nhà dịp hè và Tết dù từ nhà ra thị xã chỉ mất 30 phút đi xe máy. Thằng Kiên con bác Ba Bảo ở cạnh nhà có nhiệm vụ “tiếp tế” cho tôi mỗi tuần. Có lần nó bảo: “Ê, sao mày không về thăm má mày? Tao thấy tội nghiệp má mày lắm. Hôm trước hình như bả bị bịnh đó”.

Tôi có hơi băn khoăn nhưng rồi lại quên ngay. “Mày về nói với má tao là nhớ mua thuốc uống, lúc này tao bận học lắm nên không về được”. Thằng Kiên bĩu môi: “Mày đúng là con bất hiếu”.

Học hết lớp 12, tôi quyết định lên Sài Gòn. “Lên trên đó dễ kiếm tiền lắm”- chị Thu con bác chủ nhà tôi ở trọ bảo. Chị làm đầu bếp trong một nhà hàng lớn ở Sài Gòn, lương mỗi tháng cả chục triệu. Chị hứa sẽ đỡ đầu nếu tôi muốn lên trên ấy.

Mẹ tôi đã khóc cả đêm khi biết ý định này. “Con lên trên đó làm sao má đi thăm?”- mẹ tôi sụt sịt. Tôi nạt: “Ai cần má thăm? Má cứ ở nhà, con làm có tiền sẽ gởi về nuôi má”.

Vậy là tôi đi. 4 năm qua, tôi về thăm nhà đúng 1 lần. Mẹ tôi nhờ thằng Kiên dò la tin tức. Biết chỗ tôi làm, nó gọi điện thoại trách: “Mày đúng là con bất hiếu. Nếu tao không gọi, chắc mày cũng im luôn. Má mày lo tới bịnh luôn đó”. Tôi bực vì cái tiếng “bất hiếu” của nó nên nạt: “Mày còn nói cái giọng đó nữa thì đừng có gọi điện cho tao nghe chưa”. Nói rồi tôi cúp máy.

Có lẽ nó tức lắm nên dẫn mẹ tôi lên tận Sài Gòn tìm tôi. Dĩ nhiên là nó bị tôi chửi vuốt mặt không kịp. Mẹ tôi cũng bị vạ lây: “Còn má nữa, ai biểu má lên đây?”. Thật sự thì đâu có ai biểu mà chỉ có tấm lòng, tình yêu của một người mẹ đã thúc giục mẹ tôi lặn lội đi tìm con. “Tại con không về nên má nhớ…”- mẹ tôi rưng rưng. Thấy vậy, tôi cũng không nỡ rầy la: “Thôi được, má muốn lên thì cứ lên; nhưng con nói trước là con không có về dưới nữa đâu”.

Từ đó, cứ vài tháng, mẹ tôi lại lặn lội từ Châu Đốc lên Sài Gòn thăm con. Thỉnh thoảng thằng Kiên rảnh thì lại đi cùng với mẹ. Có lần nó đùa: “Ê, má bà đã hứa gả bà cho tui rồi đó nghen. Bà ở trên này đừng có lộn xộn”. Tôi không nhớ nó đã đổi cách xưng hô từ khi nào nhưng vừa nghe vậy đã đổ quạu: “Đừng có mơ. Tui không bao giờ trở về cái xứ đó. Mà ông cũng đừng có ăn nói bậy bạ”. Nó cười hì hì: “Giỡn bà thôi chớ cái thứ con cái không ra gì như bà, có cho tui cũng không thèm lấy”.

Mọi chuyện sẽ không có gì nếu như tôi không tình cờ quen một người. Anh là trưởng phòng của một công ty lớn. Chân dung của tôi trong mắt anh là một đứa trẻ mồ côi, tự lập, tự bươn chãi vào đời… “Anh yêu em vì những điều đó. Em là một cô gái đầy nghị lực”- có lần anh bảo tôi như vậy.

Tôi gọi điện cho Kiên: “Ông đừng có dẫn bà già lên nữa nghe chưa. Tôi nói với người ta là tôi mồ côi…”. Vừa nghe vậy, Kiên đã sừng sộ: “Bà ăn nói gì bất nhơn thất đức vậy? Má bà còn sống sờ sờ đó mà”. “Tui nói rồi, ông mà còn dẫn má tui lên là đừng có trách sao tui cạn tình nghen”- tôi nói dứt khoát.

Kiên còn dẫn mẹ tôi lên một lần nữa. Sau đó, hắn mất biệt. Mẹ tôi lại lặn lội đi một mình. Tôi bực bội ra tối hậu thư: “Má đừng có lên đây nữa, con khó ăn khó nói với người ta. Nếu má không nghe lời, con sẽ đổi chỗ ở, không cho biết số điện thoại luôn”.

Lần đó về, mãi 4 tháng sau mẹ tôi mới dám lên. Đó chính là cái lần tôi đã vứt giỏ đồ ăn mà mẹ lụm cụm mang từ nhà lên cho tôi. Và vì giận mẹ không nghe lời nên tôi đã đổi chỗ ở và không thèm gọi điện thoại về nhà.

Cho đến một hôm, tôi bỗng thấy ruột gan mình bồn chồn. Tôi lục tìm số điện thoại của Kiên. Nhưng tôi tìm mãi mà chẳng thấy. Bẳng đi một thời gian khá lâu, khi sắp xếp lại đồ đạc, tôi tìm được quyển sổ trong đó có ghi số điện thoại của Kiên. Tôi mừng quýnh vội gọi ngay. Vừa nghe tiếng Kiên, tôi đã líu lo: “Xin lỗi nghen, tui bỏ mất số điện thoại của ông, giờ mới tìm được. Ông sao rồi? Khỏe không? Cưới vợ chưa hay là còn chờ tui?”.

Không nghe Kiên trả lời, tôi lại ghẹo: “Ê, bộ còn giận hả?”. Bên kia, giọng Kiên thật chậm: “Giận làm gì cái thứ không phải con người như bà”. Tôi chột dạ: “Làm gì mà nặng lời như vậy? Ông thấy má tui khỏe không?”.

Không có tiếng trả lời. Tôi sốt ruột: “Nói đi chớ, tốn tiền điện thoại của người ta…”. Kiên thủng thẳng: “Giỏi lắm thì bà cũng chỉ tốn tiền điện thoại một lần này chớ mai mốt có muốn tốn cũng không được…”. Tôi phát bực nên gắt: “Nói gì thì nói lẹ lẹ lên, không thôi tui cúp máy à”.

Lần này tôi không phải chờ lâu vì Kiên nói ngay: “Má bà mất rồi”. Tôi nghĩ là Kiên nói đùa: “Ê, hết chuyện giỡn rồi sao? Má tui đang mạnh sần, ông trù ẻo hả? Đồ xấu xa”. “Còn bà là đồ bất hiếu. Muốn biết thì về. Tui cúp máy đây”.

Giọng Kiên cụt ngủn. Hắn cúp máy thật. Tôi gọi lại, chuông vẫn đổ nhưng hắn nhất quyết không nghe máy. Bán tín, bán nghi, hôm sau tôi chạy về…

Kiên không hề nói đùa. Mẹ tôi đã mất cách nay hơn 3 tháng. Trước đó, bà đã bệnh không ăn uống cả tuần… Kiên kể với tôi, hôm đám tang mẹ tôi, trời mưa tầm tả. Những người đưa đám đều khóc khi thấy người đứng ra lo ma chay cho mẹ tôi lại là Kiên. “Tui có nhờ nhắn tin trên truyền hình, cả đăng báo nữa…”- giọng Kiên buồn buồn.

Tôi cúi đầu, không dám nhìn vào ảnh mẹ. Kiên đã nói đúng. Tôi không chỉ là một đứa con bất hiếu mà thậm chí, tôi cũng không đáng làm một con người. Tôi có mẹ mà như một đứa con hoang…